Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 59

    Đã truy cập: 785739

Nhiệt liệt chào mừng 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022)

Nhiệt liệt chào mừng 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022)

Nhiệt liệt chào mừng 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022)

Với sự định hướng, lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022) cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam.   

        I. Những vấn đề cơ bản của Hội Nông dân Việt Nam
       Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
        Hội Nông dân Việt Nam tiền thân là Nông hội đỏ, thành lập ngày 14 tháng 10 năm 1930, trải qua các thời kỳ cách mạng luôn trung thành với Đảng và dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
       Mục đích của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.
        Phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng, lao động sáng tạo, cần kiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết của nông dân; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng văn hoá, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
        II. Ý nghĩa ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930)

       Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. 
Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 
làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
      Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 69 – CT/TƯ về việc Tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
Ngày 14-10 còn là ngày diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý trong nước và quốc tế.
         Sự kiện trong nước
         Ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Tại phiên họp ngày 17-01-1991, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 14-10-1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu hoạt động của Hội là tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công nhân – nông dân – trí thức, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
         Sự kiện quốc tế
        Ngày 14-10-1890 là ngày sinh của Dwight D. Eisenhower, vị tổng thống thứ 34 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Eisenhower trở nên nổi tiếng nhờ vai trò chỉ huy quân sự của lực lượng quân Đồng Minh tại châu Âu trong thời kỳ Thế chiến II
        Ngày 14-10-1964, nhà lãnh đạo dân quyền người Mỹ gốc Phi, Tiến sĩ Martin Luther King nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi để chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Ở tuổi 35, vị mục sư sinh ra ở bang Georgia là người trẻ nhất từng được nhận giải thưởng này.
Ngày 14-10-1947, phi công không quân Mỹ Chuck Yeager đã trở thành người đầu tiên trên thế giới lái máy bay vượt bức tường âm thanh. Ông đã điều khiển chiếc máy bay thử nghiệm Bell X-1 đạt đến tốc độ Mach 1.05 (tương đương 1.296,54km/h)  ở độ cao 13.716m bên trên hoang mạc Mojave (bang California, Mỹ).
         Sự ra đời của Nông hội đỏ - tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam
         Đầu năm 1920sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất nước ta chủ yếu tích tụ vào tay một số ít địa chủ Pháp, nhà chung, phong kiến, quan lại, địa chủ thường và địa chủ kiêm công thương đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ. 
         Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tháng 11/1929, Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung Kỳ, ngày 10/12/1929 ở thành phố Vinh – Bến Thủy và một số vùng ở Nghệ An rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng cộng sản. Truyền đơn có phần kêu gọi Dân cày gia nhập Nông hội, theo Đảng Cộng sản đấu tranh đòi bỏ thuế người, thuế vườn, thuế chợ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu… Tiếp theo nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ…
         Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
       Cao trào cách mạng 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5/1930 – 10/1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội.
       Tại Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.
          Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

           III. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
          Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78–CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Đến ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42–QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Và tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
          Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vừa xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh; vừa đoàn kết tập hợp, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên nông dân; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện Nghị quyết, đóng góp vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn nước ta có bước phát triển toàn diện và vượt bậc. Cơ cấu sản xuất nông, lâm, thuỷ sản được chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa; thu nhập, đời sống, vật chất tinh thần của người nông dân tăng lên. Vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được phát huy.
          Tại Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2010), giai cấp nông dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân Chương Sao Vàng (lần 2).
Tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2021), giai cấp nông dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh.
          IV. Hội Nông dân Việt Nam qua các kỳ đại hội
          1. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)
          Đại hội được tổ chức từ ngày 28/3 - 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 613 đại biểu thay mặt cho 11.188.789 hội viên của cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
         Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, đã đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng, mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Từ đây, Hội Nông dân Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
            2. Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1993 - 1998)
           Đại hội được tổ chức từ ngày 15/11 - 19/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu đại diện cho 7.269.982 hội viên (số hội viên giảm nhiều so với Đại hội I là do Hội có chủ trương rà soát danh sách, nâng cao chất lượng hội viên) . Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 14 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt.
           3. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1998 - 2003)
          Đại hội được tổ chức từ ngày 17/11 - 20/11/1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu thay mặt cho 7.215.544 hội viên. Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu lại giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Đại hội khẳng định tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
          4. Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003 - 2008)
          Đại hội được tổ chức từ ngày 22/11 - 25/11/2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 860 đại biểu đại diện cho 8.173.238 hội viên cả nước. Đại hội đã bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Chủ đề Đại hội là ''Đoàn kết - Đổi mới - Dân chủ - Phát triển''. Đại hội đã xác định phương hướng là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò đại diện của giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
          5. Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2008 - 2013)
         Đại hội đã được tổ chức từ ngày 22/12 - 25/12/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.175 đại biểu đại diện cho 9.563.577 hội viên. Đại hội đã bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
         Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội đã xác định phương hướng là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới…”.
          6. Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018)
        Đại hội được tổ chức từ ngày 30/6 - 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.169 đại biểu thay mặt cho 9.913.432 hội viên cả nước. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng được tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”. Đại hội xác định phương hướng: Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn…
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ thứ 8 (khóa VI), họp ngày 24/6/2016 tại Hà Nội đã bầu đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Quốc Cường được Bộ Chính trị cho nghỉ hưu; tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân
họp ngày 12/01/2018, tại Hà Nội đã bầu đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Lại Xuân Môn được Bộ Chính trị bố trí công tác mới.
          7. Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023)
         Đại hội được tổ chức từ ngày 11 - 13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Tham dự Đại hội có 999 đại biểu đại diện cho 10.192.865 hội viên cả nước. Đại hội vinh dự được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan thông tấn báo chí. Đại hội đã bầu 119 uỷ viên Ban Chấp hành; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII họp ngày 12/12/2018 tại Hà Nội đã bầu 21 uỷ viên Ban Thường vụ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
          Đây là Đại hội của tinh thần: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Hội Nông dân Việt Nam cần nắm chắc nguyên tắc liên minh công nông, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.
          V. Nông, lâm nghiệp là bệ đỡ kinh tế trong những năm chiến đấu với đại dịch và thiên tai
         Dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn tiến phức tạp trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống "Cửa hàng Nông sản an toàn". Thông qua các cửa hàng này đã tạo ra mối liên kết giữa các địa phương trong cả nước để giới thiệu những mặt hàng nông sản đặc trưng của các vùng miền. Các cấp hội cũng đã chủ động triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Với tinh thần "Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch", Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, qua hệ thống cửa hàng nông sản của Hội đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, được các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành ủng hộ, chung tay hỗ trợ tiêu thụ với hàng trăm nghìn tấn nông sản các loại. Thực tế đó cho thấy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
          Ngoài ra tình hình bão lũ, thiên tai trong những tháng cuối năm 2022 hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, kinh tế của nông dân, đặc biệt là bà con nông dân ở các tỉnh miền Trung. Hội nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn cho bà con trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời kêu gọi người dân trên cả nước cùng chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Nêu cao tinh thần đoàn kết: “ tương thân, tương ái”.
          Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng Nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng./.

ĐÀI TRUYỀN THANH XÃ